Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong bối cảnh còn nhiều thách thức nhưng ngành du lịch tiếp tục phục hồi. Để đạt mục tiêu tăng trưởng, ngành du lịch sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong những tháng cuối năm nay.


Năm 2024 đánh dấu chiến thắng đầu tiên của Hà Nội ở hạng mục “Điểm đến văn hoá hàng đầu Việt Nam – Vietnam’s Leading City Cultural Destination”, ghi nhận những giá trị về văn hóa, lịch sử và truyền thống của thành phố. Ảnh: VGP

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, các chỉ tiêu phát triển của ngành Du lịch đều có mức tăng trưởng cao, vượt các Kế hoạch đề ra, trong chỉ tiêu về khách du lịch quốc tế với mức tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2023 là chỉ tiêu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất, tiếp theo đó là chỉ tiêu tổng thu từ du lịch, với mức tăng trưởng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Hệ thống cơ sở lưu trú các cơ sở (đặc biệt là lưu trú cao cấp 4-5 sao), dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều dự án tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm dịch vụ thương mại du lịch được đưa vào khai thác đã đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến từ các thị trường khách quốc tế trọng điểm đồng thời đã gia tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách.

Du lịch Thủ đô khẳng định bằng các giải thưởng quốc tế

Đối với thị trường quốc tế, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu của mình trong khu vực cũng như trên thế giới. Thành phố Hà Nội được vinh dự đón nhận 03 giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” (Asia’s Leading City Destination), “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á” (Asia’s Leading City Break Destination) và “Điểm đến văn hoá hàng đầu Việt Nam” (Vietnam’s Leading City Cultural Destination).

Vượt qua nhiều đề cử xuất sắc, đây là lần thứ 03 Hà Nội được tôn vinh ở hạng mục “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á – Asia’s Leading City Destination” (vào các năm 2022, 2023, 2024), cho thấy vị thế của Hà Nội là điểm đến du lịch hàng đầu khu vực châu Á và sự vươn lên mạnh mẽ của Thủ đô trên bản đồ khu vực. Đồng thời, là lần thứ 02 ở hạng mục “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á – Asia’s Leading City Break Destination” (vào các năm 2023, 2024), khẳng định sự hấp dẫn của Hà Nội đối với du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những du khách mong muốn có kỳ nghỉ ngắn ngày nhưng đầy trải nghiệm.

Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu chiến thắng đầu tiên của Hà Nội ở hạng mục “Điểm đến văn hoá hàng đầu Việt Nam – Vietnam’s Leading City Cultural Destination”, ghi nhận những giá trị về văn hóa, lịch sử và truyền thống của thành phố – nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ. Với bề dày hơn 1.000 năm lịch sử, Hà Nội hội tụ những nét đẹp tinh tuý của dân tộc Việt Nam, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích khám phá văn hoá, lịch sử.

Việc tổ chức các hoạt động, sự kiện, chương trình xúc tiến du lịch cũng được đổi mới, thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp và du khách. Các sự kiện được tổ chức với quy mô lớn, chuyên nghiệp, thường niên, theo chuỗi từ đầu năm đến cuối năm với nhiều hoạt động, nội dung đặc sắc, hấp dẫn, ứng dụng nhiều công nghệ mới như 3D, Mapping, Drone. Bên cạnh đó, công tác công tác truyền thông quảng bá cũng được chú trọng, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động liên kết với các đơn vị truyền thông, các hãng hàng không để quảng bá sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các sản phẩm marketing chuyên nghiệp quảng bá trên các nền tảng truyền thông số.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, thời gian tới Sở Du lịch tiếp tục, tham mưu, quản lý lĩnh vực du lịch, nghiên cứu thị trường, phối hợp hiệu quả ba bên: nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và các khu, điểm tham quan du lịch; tư vấn hỗ trợ triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá thị trường, dự báo xu thế phát triển du lịch của thị trường nội địa và quốc tế nhằm đáp ứng những yêu cầu quản lý, điều chỉnh kịp thời, linh hoạt chính sách phát triển du lịch của Thành phố phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời cung cấp thông tin, định hướng phát triển cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch.


Khách du lịch thích thú với sản phẩm du lịch độc đáo tại Văn Miếu. Ảnh: VGP/Minh Anh

Xây dựng và quảng bá các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn

Cũng theo bà Đặng Hương Giang, phát triển sản phẩm du lịch sẽ được chú trọng, theo hướng đa dạng, độc đáo, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngành du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới như: Du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch ứng dụng thực tế ảo… Thúc đẩy phát triển du lịch MICE tại các địa điểm có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với việc tổ chức, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, các chương trình lễ hội lớn của quốc gia và quốc tế. Đổi mới xây dựng, phát triển, kết nối các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của Hà Nội.

Khuyến khích hình thành các tổ hợp khách sạn bệnh viện, các tổ hợp vui chơi giải trí lớn ứng dụng công nghệ cao. Nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phục vụ du lịch phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn, đặc biệt phù hợp với khả năng xây dựng các cơ sở hạ tầng hỗ trợ, nguồn lực đầu tư và khả năng huy động, thu hút đầu tư ở từng địa điểm cụ thể.

Phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn đặc trưng, hình thành các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Phát triển hệ thống các sân vận động, sân golf, nhà thi đấu, khu thể thao mạo hiểm ngoài trời gắn với xây dựng các sản phẩm du lịch thể thao đặc sắc, hấp dẫn.

Chú trọng xây dựng, hoàn thiện kết nối các sản phẩm du lịch riêng lẻ thành chuỗi các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Mở rộng kết nối sản phẩm du lịch Thủ đô với sản phẩm du lịch đặc sắc của các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Việt Bắc… Triển khai áp dụng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn hóa các dịch vụ, sản phẩm và nghề trong lĩnh vực du lịch nhằm xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô là du lịch có chất lượng cao, tăng trưởng xanh và bền vững.


Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội. Ảnh: VGP/Minh Anh

Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch

Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển thị trường khách du lịch.

Xây dựng các chiến dịch quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội trên kênh truyền hình Hà Nội, truyền hình quốc gia, truyền hình một số địa phương trọng điểm. Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng số, phù hợp với xu hướng mới của thị trường. Thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác tuyên truyền quảng bá thành phố Hà Nội trên các kênh truyền hình, truyền thông quốc tế lớn. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch tại chỗ, trong cộng đồng dân cư.

Nghiên cứu xây dựng các tuyến du lịch kết nối theo từng vùng. Mở rộng kết nối sản phẩm du lịch Thủ đô với sản phẩm du lịch đặc sắc của các địa phương vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc, vùng Việt Bắc,… Phát triển các sản phẩm du lịch du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp Thủ đô kết nối với tuyến du lịch văn hóa tín ngưỡng Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) – Bái Đính – Tràng An (tỉnh Ninh Bình); sản phẩm du lịch văn hóa Thủ đô kết nối với tuyến du lịch biển, nghỉ dưỡng Cát Bà (Hải Phòng) – Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh); hình thành các tuyến du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng như tuyến Hà Nội – Lào Cai – Lai Châu, tuyến Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên.

Cùng với việc xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành Du lịch Thủ đô; Triển khai xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, trong đó ưu tiên cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch theo thời gian thực, trên cơ sở xây dựng và khai thác nguồn tài nguyên dữ liệu về văn hóa, lịch sử của Thủ đô để phát triển du lịch.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động cải cách hành chính liên quan đến hoạt động du lịch, như: thu thập, thống kê thông tin, kiểm tra, giám sát, công tác dự báo thị trường, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển du lịch. Triển khai đề án chuyển đổi số trong du lịch và ngành du lịch hiệu quả.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu ngành Du lịch tập trung liên thông giữa các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch với cơ quan quản lý du lịch các cấp phục vụ công tác quản lý chuyên ngành.

Xây dựng hệ thống phần mềm tiện ích, thông minh hỗ trợ công tác quản lý, phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin, quảng bá du lịch Hà Nội; phần mềm quản lý để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội; Số hóa, kết nối, tích hợp dữ liệu về du lịch vào hệ thống thông tin, dữ liệu quản lý chung theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ cao như 3D, FLYCAM, Mapping, công nghệ thực tế ảo trong phát triển sản phẩm du lịch.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch cũng sẽ được đẩy mạnh như bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư làm du lịch kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch, nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch theo hướng bền vững; Tổ chức hội nghị tập huấn phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại 08 huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Mê Linh, Phú Thọ, Sơn Tây, Gia Lâm, Sóc Sơn và Thanh Trì; Tiếp tục phối hợp với các trường đại học, cao đẳng có khoa du lịch trên địa bàn để lựa chọn, giới thiệu những sinh viên tiêu biểu trở thành đội ngũ tuyên truyền viên tích cực về du lịch, hỗ trợ hoạt động tại các khu vực, điểm du lịch và sự kiện du lịch lớn của Thủ đô.

Phát triển các loại hình du lịch theo thế mạnh của từng địa phương

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu quy hoạch phân khu xây dựng một số khu chức năng du lịch, dự án phát triển du lịch trọng điểm tại các khu vực: Sơn Tây – Ba Vì, Hương Sơn – Quan Sơn, núi Sóc – hồ Đồng Quan, Vân Trì – Cổ Loa.

Nghiên cứu quy hoạch, định hướng phát triển các loại hình du lịch theo thế mạnh của từng khu vực, địa phương. Trong đó, cụm du lịch trung tâm Thành phố tập trung nâng cao chất lượng các điểm đến du lịch văn hóa – di sản, phát triển sản phẩm du lịch đêm, du lịch MICE, du lịch ẩm thực; cụm du lịch phía Tây (Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai) phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp; cụm du lịch phía Bắc (Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn) phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch mua sắm – giải trí, du lịch thể thao; cụm du lịch phía Đông (Gia Lâm, Long Biên) phát triển các hoạt động du lịch mua sắm, du lịch đêm, du lịch MICE; cụm du lịch phía Nam (Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên…): phát triển du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch văn hóa.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh cũng sẽ được trú trọng và tăng cường.

Năm 2024, Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với ước năm 2023. Trong đó, có 5 triệu lượt khách quốc tế (3,2 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 25% so với ước thực hiện năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với ước thực hiện năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99,77 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với ước thực hiện năm 2023. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60%, tăng 2 điểm % so năm 2023.

Minh Anh

Báo điện tử Chính phủ/Chuyên trang Thủ đô hà Nội – thanglong.chinhphu.vn